Tô Tiểu Tiểu bên cầu Tây Lãnh

Câu chuyện này mình đọc đã lâu, hôm nay nhân việc “Tùy Viên thi thoại” đề cập tới nàng Tiểu Tiểu mà chép lại. Trong lòng lúc này chỉ nghĩ, một cô gái như Tô Tiểu Tiểu, dầu mất đã lâu nhưng vẫn được người có lòng nhớ đến, âu cũng chẳng có gì là lạ. 

Đọc “Tùy Viên thi thoại”, lại đọc chuyện về nàng Tiểu Tiểu, càng lúc càng cảm thấy quý trọng Viên Mai.

Lược trích từ “Danh nữ Trung Hoa
trong huyền thoại và lịch sử”, NXB Thanh Niên.

Hàng Châu ngày nay vào trước thời nhà Tùy được gọi là Tiền Đường, cái tên bắt nguồn từ hồ Tiền Đường, phong cảnh đẹp nổi tiếng thiên hạ. Hồ Tiền Đường là hồ nhân tạo được đào từ thời Đại Vũ trị thủy. Đến đời Đường, sau khi Bạch Cư Dị đến Hàng Châu nhận chức thái thú, cho xây một con đường Bạch Đê ở phía đông Hồ nên mới gọi hồ Tiền Đường là Hồ Tây.

Đất Giang Nam xưa nay vốn nổi tiếng có nhiều danh kỹ và vùng Tiền Đường non xanh nước biếc cũng từng sinh ra rất nhiều hồng nhan thanh lâu tài sắc vẹn toàn. Tô Tiểu Tiểu ở Nam Tế là một trong số những danh kỹ đó.

Vậy, cái gì đã tạo nên một danh kỹ Tô Tiểu Tiểu khác với những cô gái khác? Điều này cần phải xét từ thân thế của nàng mới biết được.

Tô Tiểu Tiểu xuất thân trong một gia đình giàu có ở Tiền Đường. Tổ tiên nàng từng làm quan trong triều Đông Tấn. Sau khi nhà Tấn diệt vong bèn dọn nhà, lưu lạc đến đất Tiền Đường này.

Họ Tô dùng kim ngân châu báu mang theo làm vốn để buôn bán. Cho đến đời cha mẹ của Tô Tiểu Tiểu thì họ đã trở thành phú thương của địa phương. Tô Tiểu Tiểu là con gái duy nhất của gia đình họ Tô cho nên từ nhỏ đã được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Do nàng có vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn nên được đặt tên là Tiểu Tiểu. Nhà họ Tô tuy là thương gia giàu có nhưng vẫn giữ được nếp cũ của tổ tiên, truyền lại cho cô gái Tiểu Tiểu thông minh sáng dạ. Từ nhỏ, Tô Tiểu Tiểu đã ham đọc sách, làm thơ, có tài ứng đối.

Tiếc rằng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi Tô Tiểu Tiểu mới mười lăm tuổi, cha mẹ đều lần lượt qua đời. Mất đi chỗ dựa vững chắc nhưng nàng vẫn sống tại căn nhà cũ trong thành. Mỗi lần nhìn vật lại nhớ đến người, khiến nàng vô cùng đau buồn. Thế là nàng quyết định bán toàn bộ gia sản trong thành, đem nhũ mẫu Giả Di chuyển đến sống ở phía Tây thành bên cầu Tây Lãnh.

Hồi đó, thành phố Tiền Đường giao thông khá thuận lợi nên cuộc sống trong thành rất phồn vinh thịnh vượng. Trong khi đó vùng hồ Tiền Đường phía Tây thành lại là một vùng đất lầy hoang vu hẻo lánh. Nơi đây bốn bề núi non bao bọc, nước xanh trong suốt, tuy chưa được khai khẩn nhưng phong cảnh rất tuyệt vời. Tô Tiểu Tiểu và Giả Di cho xẩy một căn nhà nhỏ trong rừng tùng bách sâu trong núi, sống cuộc sống an nhàn cách xa chốn hồng trần. Nguồn sống chủ yếu vẫn dựa vào số tài sản khá dồi dào mà cha mẹ để lại.

Xuân thu hai mùa là lúc phong cảnh bên hồ Tiền Đường đẹp nhất, gió nhẹ mơn man, liễu rủ soi tóc xuống mặt hồ lặng sóng, bóng núi cao in xuống đáy hồ thăm thẳm, cảnh tượng khiến cho người ta muốn quên đi hết sự đời. Vào những lúc như vậy, Tô Tiểu Tiểu thường thích ngắm cảnh núi sông, cùng Giả Di lên một chiếc xe ngựa vách sơn dầu được thiết kế đặc biệt, chạy dạo vòng quanh hồ, thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt mỹ của thiên nhiên.

Tô Tiểu Tiểu lúc này đã là một thiếu nữ xinh đẹp tựa hồng hạnh vừa chớm chín, đặc biệt là đôi mắt to long lanh quyến rũ, chỉ cần nhìn vào đôi mắt ấy thôi cũng đủ khiến cho khối người phải đổ. Hình ảnh một cô gái xinh tươi kiều diễm, không chút e dè che giấu, du ngoạn khắp sơn cùng thủy tận đã khiến cho đám thanh niên phong lưu chú ý đeo đuổi. Sau xe của nàng thường có rất nhiều công tử nhàn rỗi bám đuôi.

Tô Tiểu Tiểu đương độ thiếu nữ xuân thì, sống một mình lặng lẽ nên thường cảm thấy trống vắng. Nàng hay tìm đọc thơ từ để tiêu khiển, nhưng ai ngờ được trong thơ từ lại toàn là những chuyện nam nữ buồn tình, càng khiến cho nàng thêm âu sầu. Vì thế nàng quyết tâm thả hồn vào sông núi.

Một hôm, Tô Tiểu Tiểu phát hiện sau xe mình có mấy chàng thanh niên dáng vẻ phong độ hoạt bát, đang dán mắt vào nàng. Bất giác nàng cảm thấy có phần đắc ý, trong lúc hứng khởi, nàng bèn ngâm nga mấy câu từ trong khoang xe.

“Yến dẫn oanh chiêu liễu giáo đạo
Chương đài trực tiếp đáo Tây hồ
Xuân hoa thu nguyệt như tương phỏng
Gia trú Tây lãnh thiếp tính Tô”

Tạm dịch:

“Én dẫn hoa vời đường liễu rủ
Chương Đài đi thẳng đến Tây Hồ
Xuân hoa thu nguyệt mà thăm hỏi
Tây Lãnh nhà bên thiếp họ Tô”

Bài thơ tự giới thiệu rất rõ ràng, đồng thời mạnh dạn biểu lộ tâm ý của nàng, vốn chẳng phải người chốn lầu xanh, chẳng qua chỉ vì cuộc sống yên ắng quá nên muốn có người đến gõ cửa thăm nhà. Đối với những thiếu nữ khuê các mà nói thì chẳng có gì phải băn khoăn suy nghĩ, nhưng Tô Tiểu Tiểu từ nhỏ ít phải chịu sự ràng buộc của cha mẹ nên tính tình thoải mái, vô tư, ngâm nga mấy câu thơ như vậy chẳng có gì là lạ.

Mấy chàng thanh niên theo sau nghe rõ mồn một những tứ thơ tuyệt tác do gió xuân đưa tới, ai nấy đều mừng húm, vội vã đánh xe theo sát xe của Tô Tiểu Tiểu, theo chân đến căn nhà nhỏ bên cầu Tây Lãnh. Mới đầu, Tô Tiểu Tiểu thấy khách theo lời mà tới, thoạt đầu cảm thấy có phần xấu hổ, chẳng biết làm thế nào cho phải. Sau thấy khách tới ai cũng lịch sự lễ phép, nói năng nho nhã bèn mời vào phòng khách nói chuyện. Nhũ mẫu Giả Di tinh ý, vội pha trà thơm đem đến. Chủ khách vừa thưởng trà vừa đàm luận thi thơ, rồi quay sang nói chuyện phong cảnh hữu tình hết cả một buổi chiều, vui vẻ sảng khoái.

Câu chuyện đẹp nhanh chóng lan đi. Chẳng bao lâu, quan lại, khách buôn, văn nhân, danh sĩ ở Tiền Đường đều mộ danh tìm đến bên cầu Tây Lãnh hỏi thăm nàng. Nhưng tất cả những vị khách đó đều bị nhũ mẫu Giả Di chặn lại từ ngoài cổng, xem xem ai có phong độ đường hoàng, nho nhã mới được mời vào gặp Tô Tiểu Tiểu. Còn những kẻ đầu óc bã đậu, bụng bự, phàm phu tục tử dù có móc ra ngàn vàng cũng bị bà khéo léo chối từ. Cứ như vậy, danh tiếng của Tô Tiểu Tiểu bỗng chốc lan xa. Rất nhiều người cho rằng được nói chuyện, thưởng trà với nàng là một vinh hạnh lớn lao. Tuy có người coi nàng là một cô gái thanh lâu tiếp khách cao cấp và cũng có người gọi nàng là thi kỹ (kỹ nữ thơ văn) nhưng trên thực tế, nàng tuyệt nhiên khác hẳn với những cô gái bán mình nuôi thân.

Vào một buổi chiều xuân chim hót hoa thơm, sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, Tô Tiểu Tiểu lại cùng Giả Di lên xe, men theo hồ ngắm cảnh xuân. Vừa hay hôm đó có Nguyễn Uất, một công tử con nhà danh gia vọng tộc từ Kiến Nghiệp tới, đang cưỡi ngựa rong ruổi thưởng ngoạn thắng cảnh Tiền Đường. Nguyễn Uất cho ngựa chậm bước, vừa đi vừa ngắm, thả hồn vào mùa xuân sóng xanh rặng liễu. Bất chợt, chàng thấy trước mặt có một chiếc xe ngựa trang trí đẹp mắt đi tới, bèn chú ý nhìn theo thì thấy Tô Tiểu Tiểu đang nghiêng đầu ngắm cảnh hồ. Một cô gái dáng quỳnh mặt ngọc, yêu kiều quyến rũ, tựa như tiên giáng trần khiến tim chàng như muốn ngừng đập. Thế là sau khi xe ngựa của Tô Tiểu Tiểu lướt ngang qua, Nguyễn Uất vội vàng ghìm cương, cho ngựa quay đầu, bám sát theo sau. Trong thoáng chốc, Tô Tiểu Tiểu cũng đã nhìn rõ chàng công tử cưỡi ngựa đối diện đi tới, thấy chàng ta mặt mũi sáng sủa, phong độ thanh thoát nên nàng cũng lấy làm vừa ý lắm. Bấy giờ lại thấy chàng bám đuôi, nàng càng mừng thầm, bèn ngâm nga.

“Thiếp thừa du bích xa, lang kỵ thanh thông mã
Hà xứ kết đồng tâm? Tây Lãnh tùng bách hạ.”

Tạm dịch:

“Xe thiếp đi màu biếc, chàng cưỡi ngựa thanh thông
Nơi nào đồng tâm kết? Tây Lãnh dưới gốc tùng.”

Nguyễn Uất nghe xong nghĩ bụng, Đây rõ ràng là muốn ra đối thơ đây, làm sao có thể phụ thịnh tình người đẹp!

Tối đó, về đến nhà trọ, chàng vội hỏi thăm chủ nhà. Chủ nhà nói: “À, đó là cô Tô Tiểu Tiểu nhà ở bên cầu Tây Lãnh, ở đây ai mà chẳng biết! Các công tử trong thành này người nào cũng tỏ lòng ngưỡng mộ, chỉ có điều cô ấy kiêu kỳ lắm, như bông hoa đẹp chỉ có thể ngắm chứ không dễ gì hái được.”

Dẫu không hái được nhưng có thể ngồi đối mặt với danh hoa, tâm hồn bay bổng cũng chẳng phải niềm vui lớn trong đời hay sao? Thế là Nguyễn Uất quyết tâm diện kiến. Đầu giờ chiều ngày hôm sau, chàng chuẩn bị một số đồ châu ngọc chế tác tinh xảo làm quà gặp mặt, vòng qua bến phía Tây Bắc hồ, đi qua rặng tùng bách, men theo con đường mòn trong rừng rồi thẳng bến cầu Tây Lãnh. Đến nơi, chàng nhận ra dưới rặng liễu vườn hoa là mấy gian nhà ngói, xung quanh chim hót líu lo, cảnh sắc u nhã, thật đúng là chốn thiên đường dưới nhân gian.

Nguyễn Uất nhẹ nhàng buộc ngựa vào gốc liễu rồi gõ cửa. Cánh cửa kẽo kẹt mở ra, nhũ mẫu Giả Di xuất hiện, lịch sự hỏi lý do khách đến. Nguyễn Uất kể lại chuyến du ngoạn hồ hôm qua, vinh hạnh gặp người đẹp, được nàng để ý, tặng thơ chỉ đường tới đây. Rồi chàng thành khẩn bày tỏ: “Nay, vãn bối mang chút lễ mọn, mong được gặp mặt hoa một lần.”

Giả Di nghe xong, hiểu ngay vấn đề. Hóa ra đó là lý do mà tối qua, sau khi cùng Tiểu Tiểu di ngoạn cảnh hồ về, nàng chẳng chịu ăn uống gì cả, dường như lòng mang tâm sự. Bà cũng sớm đoán ra được vài phần, bèn vội mời khách vào nhà, uống trà thơm ngồi chờ rồi đi báo cho Tô Tiểu Tiểu.

Nguyễn Uất ngồi rỗi, đưa mắt ngắm nghía xung quanh, thấy trong sân ngoài cửa hoa cỏ như gấm, căn phòng được bài trí hết sức giản dị. Trên tường treo mấy bức tranh lụa họa cảnh non xanh nước biếc, trên giá xếp vài cuốn sách, một cây đàn tranh, chỗ nào cũng sạch sẽ, không chút bụi bặm, chứng tỏ chủ nhân là người ưa gọn gàng, ngăn nắp. Bất giác lòng chàng có chút cảm tình với Tô Tiểu Tiểu.

Lát sau, Tô Tiểu Tiểu chậm rãi bước ra. Hôm nay nàng trang điểm đơn giản, mày rủ ngậm cười, khác hẳn với vẻ kiều diễm của ngày hôm qua. Chủ khách cùng thi lễ rồi ngồi đối diện với nhau. Hai người vừa thưởng trà vừa đàm thơ luận văn, ý hợp tâm đầu, mải nói chuyện đến quên cả thời gian. Bên ngoài cửa sổ, trời đã nhá nhem tối mà hai người vẫn chưa hết chuyện, không ai muốn nói lời tạm biệt. Giả Di bước vào châm đuốc. Một lát sau, bàn tiệc rượu nhỏ đạm bạc được bày ra. Thế là chủ khác lại tiếp tục vừa uống vừa đàm luận mãi cho đến lúc đêm khuya người vắng.

Vì đường về thành quanh co u ám, Nguyễn Uất đành phải nghỉ lại trong phòng khách nhà Tiểu Tiểu. Đêm đã khuya, nằm trên giường êm nệm ấm mà chàng không sao ngủ được, trở mình mãi không thôi, cuối cùng đành bật dậy bước ra sân. Vừa ra khỏi cửa, chàng phát hiện thấy trong sân dường như có ai đang đứng, cẩn thận nhìn kỹ thì hóa ra là Tô Tiểu Tiểu. Nàng khoác một cái áo, đứng giữa sân ngước đầu ngắm trăng tròn tỏa sáng trên bầu trời vòi vọi, hai giọt lệ đậu hàng mi. Nguyễn Uất trông thấy, trong lòng bất giác yêu thương nàng vô hạn.

Từ đó, hai người gắn bó keo sơn như hình với bóng. Hàng ngày nếu không ở trong thư phòng uống rượu, chuyện trò thì cũng dạo hồ ngắm cảnh. Nàng ngồi xe, chàng cưỡi ngựa, sóng bước ngao du sơn thủy hữu tình. Trông hai người chẳng khác gì đôi vợ chồng son, chàng chàng thiếp thiếp, ân ân ái ái, khiến cho không biết bao nhiêu người một phen ngưỡng mộ.

Song tiếc rằng, cuộc nhân duyên bèo nước gặp nhau không được vững bền. Cha Nguyễn Uất ở Kiến Nghiệp nghe tin con trai mình đang say đắm với một kỹ nữ Tiền Đường, bèn lập tức phái người đến gọi Nguyễn Uất về, quản chặt trong nhà, cấm chàng ra khỏi cửa nửa bước.

Nguyễn Uất đi rồi, Tô Tiểu Tiểu ở nhà đóng cửa không ra ngoài nữa, cả ngày mong ngóng đợi tình lang quay lại. Một tháng rồi một năm, chẳng thấy bóng dáng tình lang quay lại, bặt vô âm tín. Tô Tiểu Tiểu tuyệt vọng đợi chờ, mắc tâm bệnh, ngã ra ốm liệt giường. Cũng may có nhũ mẫu Giả Di bên cạnh tận tình chăm sóc, bệnh của nàng dần dần thuyên giảm.

Để giúp Tiểu Tiểu lấy lại tinh thần, Giả Di cho mời các văn nhân công tử đáng tin vào nhà, trò chuyện cùng nàng cho khuây khỏa. Dần dà, bến cầu Tây Lãnh lại dập dìu ngựa xe tài tử như xưa.

“Đã từng là bể khó bề làm sông”, sau cuộc u tình với Nguyễn Lang, Tô Tiểu Tiểu không còn muốn chia sẻ tình cảm cho ai nữa. Nàng tuy vẫn giao lưu với tao nhân mặc khách nhưng chỉ dừng lại ở mức thưởng trà đàm đạo, thi thoảng cũng bày tiệc rượu hoặc hát tặng một bài chứ tuyệt nhiên không bao giờ mởi khách ngủ lại.

Thu về, trời cao gió mát, lá đỏ rụng khắp chân núi, Tô Tiểu Tiểu ngồi xe thưởng ngoạn. Đến bên hồ, nàng gặp một người dáng vẻ thư sinh, mặt thanh mày tú, phong độ khác thường, dáng vẻ trông rất giống Nguyễn Uất nhưng ăn mặc khá rách rưới, tinh thần ủ dột. Tô Tiểu Tiểu bất giác động lòng bèn dừng xe lại hỏi thăm. Người kia thấy một cô gái cực kỳ xinh đẹp đến quan tâm hỏi han bèn cung kính trả lời:

“Tiểu sinh họ Bào tên Nhân, gia cảnh bần hàn, đọc sách tại một ngôi chùa cổ trong núi hoang, chuẩn bị lên kinh ứng thí. Chẳng dè thiếu thốn loanh quanh, không sao đi được. Nay kỳ thi đã đến gần, tiểu sinh thỉ còn biết đến bên hồ than thở cho số mệnh của mình.”

Tô Tiểu Tiểu tuổi tuy còn trẻ nhưng đã từng gặp gỡ, quen biết nhiều người. Nàng cảm thấy chàng thư sinh trước mặt rất có tiền đồ, tướng mạo lại khá giống Nguyễn Uất nên quyết tâm giúp đỡ. Nàng bèn bán đi một số trang sức quý giá, sắm sửa hành lý cho Bào Nhân rồi tiễn chàng lên đường. Bào Nhân đương nhiên vô cùng xúc động, cảm ơn mãi không thôi.

“Nghĩa cử thiên thu không ngờ lại ở ngay trong chốn rèm khuê. Tấm ân tình này, tiểu nhân xin ghi lòng tạc dạ. Đợi khi tiểu nhân công thành danh toại sẽ xin đến khấu tạ ân nhân.”

Mùa xuân năm sau, Tô Tiểu Tiểu bị trúng phong hàn. Vì không kịp chạy chữa, thêm vào đó tâm tư u uất, bệnh tình càng lúc càng trầm trọng, không lâu sau đó thì mất, khi ấy nàng mới vừa tròn hai mươi bốn tuổi.

Lúc này, Bào Nhân ở kinh thành bảng vàng đề tên, được phong làm Thích sử Hoạt Châu. Khi đi nhậm chức, tiện đường ghé qua Tiền Đường, đến cầu Tây Lãnh cảm tạ ân nhân. Nhưng nào ngờ chỉ kịp đuổi theo đám tang của nàng. Bào Nhân mặc áo trắng mũ trắng ôm lấy quan tài mà khóc, rồi theo lời dặn của Tô Tiểu Tiểu trước lúc ra đi, an táng nàng ở nơi sơn thủy hữu tình, cách cầu Tây Lãnh không xa. Chàng cho lập bia trên mộ, trên đó khắc dòng chữ “Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu chi mộ”.

Bình luận về bài viết này